10 "thảm họa công nghệ" trong nửa đầu năm 2012

Mặc dù năm 2012 mới đi hết một chặng đường, nhưng đã chứng kiến nhiều sự biến động của thế giới công nghệ. Bên cạnh những thành công đáng ghi nhận là những thất bại thảm hại đáng quên. Dưới đây là 10 "thảm họa công nghệ" đáng quên nhất trong nửa đầu năm nay.

Nokia và sự xuống dốc không phanh
 

10 thảm họa công nghệ trong nửa đầu năm 2012
Những tưởng với việc bắt tay với Microsoft để sản xuất smartphone sử dụng Windows Phone vào năm ngoái sẽ giúp Nokia có sự vươn lên trong năm nay, tuy nhiên mọi điều vẫn chưa có gì sáng sủa cho hãng điện thoại Phần Lan, nếu không muốn nói là ngày càng bi đát.

Windows Phone vẫn chưa chiếm được chỗ đứng trên thị trường, trong khi đó Nokia cũng đã bị Samsung vượt qua để trở thành hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thị trường về doanh số, gía trị cổ phiếu sụt giảm đến mức thấp nhất trong lịch sử…

Tuy nhiên, đó chưa phải là những gì tồi tệ nhất với Nokia, khi mới đây hãng đã phải bán đi thương hiệu điện thoại hạng sang Vertu như một cách để "cứu vãn tình hình tài chính", và quyết định đóng cửa hàng loạt nhà máy tại Đức, Phần Lan và Canada, sa thải 10 ngàn nhân viên như một cách để "tái cơ cấu công ty".

Mặc dù vẫn nhận được những lời hứa hẹn từ CEO Stephen Elop, tuy nhiên những ai lạc quan nhất cũng khó có thể thấy được tương lai tươi sáng từ phía "cựu vương" trên thị trường di động này.

CEO Yahoo bị sa thải vì “gian lận” bằng cấp



10 thảm họa công nghệ trong nửa đầu năm 2012

Yahoo! đang ngày càng chìm vào khủng hoảng, và Scott Thompson được đưa về vào tháng 1 ở vị trí CEO như một “vị cứu tinh” để cứu lấy “con tàu đắm” Yahoo!. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau khi tại vị, vào tháng 5, Dan Loeb, một cổ đông tại Yahoo! đã phát hiện ra rằng Scott Thompson đã có hành vi khai báo gian lận về bằng cấp của mình.

Theo đó, Thompson chỉ có bằng cử nhân về kế  toán, chứ không hề có bằng cử nhân về khoa học máy tính như ông đã khai báo. Ngay sau khi bị phát hiện không lâu, Yahoo! đã phải quyết định sa thải Scott Thompson.

Thương vụ “lên sàn” của Facebook



10 thảm họa công nghệ trong nửa đầu năm 2012

Sau hơn 8 năm ra mắt và phát triển với tốc độ chóng mặt, Facebook đã chính thức phát hành cổ phiếu ra công chúng và trở thành công ty đại chúng vào ngày 18/5/2012, với tham vọng trở thành công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Facebook đã có khởi đầu không thể tốt đẹp hơn khi giá cổ phiếu đạt mốc cực đại 38 USD trong ngày đầu tiên, giúp giá trị của công ty vọt lên mốc 104 tỷ USD. Tuy nhiên, đó là những gì mà Facebook có thể đạt được. Giá trị cổ phiếu của mạng xã hội này đã liên tục sụt giảm trong thời gian sau đó.

Hiện tại, cổ phiếu của Facebook chỉ đạt mốc 30,7 USD cổ phiếu, khiến cho giá trị của công ty còn 65,71 tỷ USD.

Dự luật “giết chết Internet” SOPA



10 thảm họa công nghệ trong nửa đầu năm 2012

Dự luật gây tranh cãi về Chống vi phạm bản quyền trên Internet (SOPA - Stop Online Piracy Act) được Hạ viện Mỹ đưa ra, với dự định yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet ngăn chặn truy cập vào bất kỳ trang web nào có chứa nội dung vi phạm bản quyền.

Được đưa ra từ tháng 1 năm nay, dự luật này đã chịu sự phản đối gay gắt không chỉ bởi người dùng Internet toàn cầu mà ngay cả những ông lớn công nghệ như Google, WikiPedia, Facebook vả cả Microsoft lẫn Apple… cũng đã lên tiếng phản đối và cho rằng đây là dự luật "giết chết sự phát triển của Internet". Các trang web lớn này đã đồng loạt "tắt đèn", ngừng hoạt động trong 1 ngày để phản đối SOPA.

Trước sự phản đối gay gắt, ngày 20/1, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã hoán xem xét và ngừng thi hành dự luật vô thời hạn.

Đĩa DVD



10 thảm họa công nghệ trong nửa đầu năm 2012

Mặc dù với sự xuất hiện của những ổ cứng di động, DVD vẫn là một sự lựa chọn thường thấy trên thị trường giải trí và lưu trữ dữ liệu.

Tuy nhiên, ngày càng ít máy tính mới xuất hiện trên thị trường có trang bị ổ đĩa DVD, và cho đến khi Microsoft tuyên bố hệ điều hành mới nhất của mình, Windows 8, sẽ ngừng hỗ trợ chơi đĩa DVD theo mặc định. Người dùng muốn xem DVD phải trả thêm tiền cho phí bản quyền của Windows Media Center, hoặc tìm một phần mềm chơi media thay thế. Động thái này của Microsoft được xem như là một hành động gián tiếp "giết chết" đĩa DVD, khi mà Windows vẫn đang là hệ điều hành được sử dụng nhiều nhất hiện nay.

Màn PR “thảm hại” của Microsoft



10 thảm họa công nghệ trong nửa đầu năm 2012

Trong động thái nhằm quảng bá cho nền tảng di động Windows Phone của mình, Microsoft đã phát động chiến dịch quảng cáo "Hít khói bởi Windows Phone" vào tháng 3 vừa qua. Cụ thể, nếu người dùng nào có smartphone với tốc độ duyệt web nhanh hơn chiếc smartphone sử dụng Windows Phone của Microsoft sẽ nhận được giải thường là một chiếc laptop có trị giá 1.000 USD.

Tuy nhiên, đây được xem là một "thảm họa" của Microsoft, khi một chuyên gia công nghệ đã cho Windows Phone "hít khói" bằng chiếc smartphone Android của mình. Tuy nhiên, điều tồi tệ hơn là Microsoft đã từ chối trao giải cho người thắng cuộc với lý do người này đã vi phạm "luật chơi" do Microsoft đưa ra.

Malware nguy hiểm xuất hiện dồn dập trên máy tính Mac



10 thảm họa công nghệ trong nửa đầu năm 2012

Steve Jobs đã từng rất tự tin tuyên bố rằng bạn sẽ không thể tìm thấy virus trên máy tính Mac. Tuy nhiên, Steve Jobs đã sai, nhưng ông cũng đã không có cơ hội để nhìn thấy cái sai của mình.

Đầu tháng 4 vừa qua, hãng bảo mật danh tiếng của Nga Dr.Web đã phát hiện ra 1 loại Trojan với tên gọi Flashback lây nhiễm trên hơn 600.000 máy tính của Apple. Loại mã độc này khai thác lỗ hổng của Java, và bất chấp Apple đưa ra các bản vá lỗi và công cụ để loại bỏ, tuy nhiên Flashback vẫn tiếp tục lây nhiễm và hiện hữu trên hơn 140.000 máy tính Mac.

Chưa kịp hết đau đầu với Flashback, thì hãng bảo mật Kaspersky Lab thì một loại trojan có tên gọi SabPub lây nhiễm rộng rãi trên máy tính sử dụng hệ điều hành Mac OS X của Apple, với mức độ nguy hiểm còn cao hơn cả Flashback, có thể mở cửa hậu cho phép hacker bí mật thâm nhập vào hệ thống của người dùng hoặc dẫn họ đến những trang web lừa đảo.

Trợ lý ảo Siri vô tình "cổ vũ" cho đối thủ của Apple



10 thảm họa công nghệ trong nửa đầu năm 2012

Siri là công cụ nổi tiếng hàng đầu trên iPhone 4S của Apple. Tuy nhiên, vào tháng 5 vừa qua, khi người dùng hỏi Siri rằng "Đâu là chiếc smartphone tốt nhất hiện nay", câu trả lời mà trợ lý ảo này đưa ra thay vì sản phẩm của "gà nhà" Apple thì lại là… Lumia 900 của Nokia.

Sở dĩ có điều này là vì Siri sử dụng thông tin từ công cụ tìm kiếm Wolfram Alpha, mà công cụ này lại dựa trên đánh của người dùng trên trang bán hàng Best Buy. Do Lumia 900 có kết quả bình chọn cao hơn iPhone 4S, nên Siri đã đưa ra câu trả lời "lệch tông".

Tuy nhiên, không chấp nhận chịu thua đối thủ, Apple sau đó đã đưa ra bản nâng cấp cho Siri, mà câu trả lời sau đó được sửa lại thành : "Bạn đang đùa phải không?".

Cuộc chiến bản quyền công nghệ



10 thảm họa công nghệ trong nửa đầu năm 2012

Khi mà những sự cạnh tranh trên thị trường không đi đúng theo hướng mong muốn, thì việc kiện tụng lẫn nhau để ngăn chặn sự phát triển của đối thủ được xem là biện pháp hữu hiệu nhất.

Nhắc đến con số những vụ kiện tụng liên quan đến bản quyền công nghệ có thể sẽ khiến bạn phải giật mình, hơn 8,2 triệu vụ kiện trên toàn cầu liên quan đến vấn đề này, nổi bật trong số đó là những vụ kiện của Apple nhắm đến Motorola, HTC và Samsung; Oracle và Google hay gần đây nhất là Yahoo! Kiện Facebook…

Hơn ai hết, người dùng phổ thông  chính là những người chịu thiệt thòi nhất trong những vụ tranh chấp này. Hãy thử tưởng tượng bạn yêu thích các sản phẩm của Samsung hay Apple, vì nhưng vì những vụ kiện hay "đấu đá lẫn nhau" của những ông lớn, bạn lại mất đi cơ hội sở hữu sản phẩm mình yêu thích? Hẳn sẽ rất khó chịu.

Máy chơi game cầm tay PlayStation Vita



10 thảm họa công nghệ trong nửa đầu năm 2012

Rất được game thủ kỳ vọng ngay trước khi ra mắt, Sony đã trình làng tại Mỹ vào 22/2, với hy vọng sẽ tiếp nối sự thành công của thế hệ máy chơi game cầm tay PlayStation Portable đã rất thành công.

Mặc dù nhận được nhiều sự đánh giá tích cực, tuy nhiên Vita lại bị chê vì thiết kế khá thô, bên cạnh đó với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các thể loại game trên thiết bị di động (như smartphone hay máy tính bảng), với đồ họa đẹp mắt khiến cho Vita không thể cạnh tranh trên thị trường máy chơi game cầm tay như Sony đã trông đợi.

Chỉ một số ít máy chơi game Vita được tiêu thụ, chủ yếu được mua bởi những game thủ chuyên nghiệp, những người muốn giải trí trên một chiếc máy chơi game thực thụ, thay vì sử dụng smartphone và tablet để chơi game.

Phạm Thế Quang Huy

Web hosting by Somee.com