Loay hoay quản lý hành vi trực tuyến của con trẻ

Với số ngày nghỉ Tết Nhâm Thìn khá dài, bên cạnh niềm vui có thêm thời gian nghỉ ngơi, đi chơi, thăm hỏi người thân, nhiều bậc phụ huynh cũng mất ăn mất ngủ về việc quản con em mình trước những cám dỗ đến từ các trò chơi trên mạng.

Mặc dù Tết chưa đến nhưng thay vì để con cái tự do vui chơi, chị Nga (trú tại đê Yên Phụ, Hà Nội) đã quán triệt tư tưởng với cậu con trai 12 tuổi chỉ được chơi game khi có sự giám sát của nguời lớn. Chị đã đổi mật khẩu truy cập máy và không tiết lộ cho con.

“Các cháu học sinh, đặc biệt là các cháu học cấp III vẫn là những người đang trong giai đoạn hình thành nhân cách. Các cháu có xu hướng học hỏi, bắt chước, làm theo bạn bè hay những gì xung quanh. Nếu các cháu tiếp xúc quá nhiều với những nội dung không lành mạnh thì rất dễ để các cháu có những suy nghĩ lệch lạc về cái gì đúng, cái gì sai”, bà Lê Thị Thìn, một giáo viên đã về hưu nhận định.

Trong một cuộc trả lời trực tuyến mới đây về quản lý game online do Bộ TT&TT tổ chức, các nhà quản lý lĩnh vực này đã khẳng định những game online khi phát hành tại Việt Nam phải được thẩm định về nội dung trước khi tung ra thị trường để đảm bảo không có nội dung độc hại. Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng thừa nhận, có thể những game không phát hành tại Việt Nam mà phát hành trực tiếp trên mạng không qua kiểm duyệt sẽ có nội dung độc hại.

Nghiện game xấu có phải lỗi của trẻ?

Ai cũng mong muốn con em mình sẽ có những trò chơi bổ ích để giải trí, thư giãn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các game không lành mạnh vẫn như thỏi nam châm có lực hút rất mạnh. Hiện tượng nhiều trẻ em nghiện chơi game tiêu cực không phải là hiếm nhưng nếu thẳng thắn thừa nhận, đó không phải hoàn toàn là lỗi của các em.

“Tôi cho rằng đại đa số trẻ em đều thích chơi game. Vấn đề là các em sẽ tiếp xúc hoặc được người lớn, gia đình, nhà trường định hướng sẽ chơi trò chơi nào. Hiện nay, tôi vẫn thấy vai trò của nhà trường và gia đình vẫn tương đối lỏng lẻo trong việc định hướng cho trẻ về việc này, vì chủ yếu tập trung vào việc dạy học”, ông Phạm Tiến Hùng bổ sung.

Theo ý kiến của ông Đào Mạnh Thắng, việc trẻ em thích chơi game là việc hết sức bình thường. Nếu trẻ em tiếp cận với game xấu thì sẽ chơi game xấu. Nếu trẻ em tiếp cận với game lành mạnh nhưng không hấp dẫn thì vẫn sẽ tiếp tục chơi game xấu miễn là các em thấy hấp dẫn.

“Trẻ em thường ít phân biệt game tốt, xấu, lành mạnh mà có xu hướng trò nào hay, hấp dẫn thì chơi. Nếu mắng mỏ con cái hoặc cấm đoán thì sẽ không tốt, thậm chí phản khoa học. Lỗi là do người lớn chúng ta không nói cho các con biết tại sao game đó xấu không nên chơi. Hơn nữa, bản thân các game được coi là lành mạnh cũng chưa thực sự hấp dẫn thì khó có thể mong muốn trẻ sẽ chơi. Điều này thậm chí đúng ngay với các game thủ là người lớn”, ông Thắng tiếp.

Trên thực tế, những game trên không phải ở Việt Nam chưa có. Nhiều bậc phụ huynh cho biết cũng đã tìm được cho con mình những game giáo dục theo hình thức “chơi mà học”, nhằm phát triển tư duy trẻ rất hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề then chốt, theo một số chuyên gia phát triển game, thách thức lớn nhất của các game lành mạnh vẫn là làm sao để “kéo” được học sinh và khiến họ đam mê, đặc biệt là những game thủ vốn chỉ mê thể loại hành động. Không có lượng người chơi đủ thì không thể thu hồi vốn. Đây chính là cái khó khiến nhiều doanh nghiệp chỉ phát hành game thị trường và đành bỏ quên game “lành”.

Như vậy, vấn đề cốt lõi vẫn là bài toán kinh tế và doanh thu. Chừng nào chúng ta chưa có các game có nội dung lành mạnh đủ sức hấp dẫn người chơi, thì chừng đó các game bạo lực, chém giết, có liên quan đến yếu tố sex… nhưng hấp dẫn còn là mối lo của các bậc phụ huynh không chỉ trong dịp Tết này.

Theo Infonet.vn

Web hosting by Somee.com