Gia đình 2 đời cứu vớt những linh hồn xấu số

Hai đời gắn bó với "nghề" thu lượm xác chết trôi dạt trên biển rồi thành lập một khu nghĩa địa vô danh bên bờ biển Thuận An. Câu chuyện đặc biệt này là của gia đình ông Lễ Hữu Tây (SN 1958, trú ở thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Hai đời... vớt xác
 
Trong cái nắng cháy da cháy thịt, chúng tôi vượt hơn 30km từ TP Huế tìm về ngôi làng quanh năm trầm mình với sóng biển. Mỗi ngõ làng chỉ thấp thoáng vài bóng người qua lại, hỏi ra mới biết người dân nơi đây đã ra khơi đánh cá. Cụ Huệ đang ngồi vá lưới cho biết: "Người dân ở đây chủ yếu làm nghề biển, đàn ông ra khơi, chỉ có phụ nữ và trẻ con ở nhà. Các con muốn gặp ai thì chiều tối hãy đến".
 
Ông Lê Hữu Tây, người cứu vớt hàng trăm linh hồn xấu số
Ông Lê Hữu Tây, người cứu vớt hàng trăm linh hồn xấu số
 
Loay hoay hỏi đường, chúng tôi tình cờ bắt gặp người đàn ông dáng người thấp đậm, nước da ngăm đen, khuôn mặt phúc hậu... Hỏi ra mới biết ông chính là Lê Hữu Tây. Niềm nở mời chúng tôi vào nhà, rót cốc trà đá mời khách giải nhiệt, ông kể: "Từ khi báo chí viết về "nghề" vớt xác, mọi người khắp cả nước gọi điện đến chia sẻ, khen ngợi gia đình tôi. Tôi nghĩ đó cũng chỉ là công việc bình thường, khi thấy xác chết nổi bồng bềnh trên biển mà mình không ra tay cứu giúp thì có tội với họ".
 
"Nghề" vớt xác chết ở gia đình ông đến nay đã trải qua 2 đời, lúc nhỏ ông Tây đã cùng bố trên những chuyến tàu ra khơi, bắt gặp những xác chết trôi dật dờ trên biển rồi cùng bố đưa họ về với đất mẹ yêu thương. Ông nhớ lại: "Năm 1970 - 1975 hạm đội ta chiến đấu trên biển, những chiến sỹ đã ngã xuống, xác trôi dạt vào bờ biển Thuận An. Hai bố con tôi đã vớt lên đưa về khâm liệm, chôn cất lo hương khói cho đến bây giờ". Thấu hiểu lời căn dặn của bố, "dù ở hoàn cảnh nào, gặp xác chết trên biển con cũng gác lại mọi chuyện, đưa thi thể họ về chôn cất cho tử tể", gần 40 năm gắn bó với "nghề" vớt xác, trong tâm khảm ông Tây chỉ thỏa nguyện một điều: "Mình làm việc này là để phúc cho con cháu".
 
Có lần tàu ông rời bến 100 hải lý thì phát hiện một thi thể đang nổi dập dờn trước mũi tàu. Ông quyết định hủy chuyến ra khơi để vớt xác chết đó đưa về đất liền an táng. Ông Tây nhớ lại: "Có những xác chết thương tâm lắm, tôi vớt lên lấy bao tải gói gém thật cẩn thận, thắp hương, làm thục tục đưa về đất liền chôn cất".
 
Cũng trong một chuyến đi biển khác, ông Tây gặp 5 thi thể đang trong giai đoạn phân hủy trôi dật dờ quanh tàu khi mặt trời sắp lặn, trong khi chỉ có hai bố con ông Tây trên tàu. Ông Tây nhớ lại: "Lúc đó bố con tôi mặc áo phao, hạ chiếc xuồng con xuống biển, bố tôi ở trên còn tôi chèo xuồng lại gần xác chết, rồi từ từ đưa xác lên. Hơn 2 tiếng đồng hồ vật lộn với sóng gió mới vớt xong 5 xác chết. Cũng trong đêm đó, hai bố con khẩn trương quay tàu đưa xác chết về đất liền chôn cất khi trời sáng. Bởi dân làng kiêng cự những hồn ma này sẽ về làm tội".
 
Ông bảo: "Vớt xác cho đến chôn cất cũng phải có kinh nghiệm. Thứ nhất, không được được dùng kim loại trực tiếp móc vào xác chết, không dùng vợt vớt mà phải dùng tay. Nếu không thi thể sẽ bị tan ra nhiều mảnh. Thứ hai, không được đưa lên khỏi mặt nước ngay, bởi xác chết lâu ngày lên gặp phải không khí sẽ tan ra...".
 
Do hoàn cảnh khó khăn, nhiều lần ông Tây đến từng nhà xin từng nghìn đồng lẻ để mua hòm vỏ. Ông ngậm ngùi kể: "Do không có tiền mua hòm vỏ mà tôi phải giấu xác chết trong nhà, rồi đến từng hộ gia đình ngửa tay xin từng đồng, sau đó lo chu tất cho "mồ yên mả đẹp" tôi mới yên lòng".
 
Khu nghĩa địa vô danh của những con người xấu số được bố con ông Tây lập bên bờ biển Thuận An đầy nắng và gió hiện đã có hàng trăm ngôi mộ. Ông Tây tâm niệm: "Việc làm của tôi không vì tiền bạc hay có ai sai khiến mà tôi làm vì lương tâm mách bảo. Có người cứ bảo tôi là điên, có vấn đề về thần kinh. Ai nói gì mặc kệ, tôi không đành lòng khi nhìn thấy xác chết trôi dạt mà không vớt, họ cũng là con người như mình chỉ vì không may mắn mà họ chết thương tâm như vậy".
 
Ông Tây cho biết thêm: "Cách đây 10 năm, một anh 20 tuổi quê Hải Phòng đi tàu viễn dương bị bão đánh chìm. Xác anh trôi dạt vào bờ biển Thuận An, rất may khi vớt lên trong người có giấy tờ tùy thân, tôi báo với công an để liên lạc được với gia đình. Sau đó, bố mẹ anh ấy coi tôi là ân nhân, cho tôi một số tiền rất lớn nhưng tôi không nhận. Bây giờ họ vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe gia đình tôi".
 
Đã bước sang bên dốc cuộc đời, nhưng hàng ngày ông Tây vẫn dành thời gian ra nghĩa địa hương khói cho những con người xấu số. Ông lấy ngay ngày vớt xác làm ngày kỵ của họ. Ông tâm niệm: "Những con người xấu số này đều không có người thân bên cạnh. Nhưng linh hồn họ vẫn được sưởi ấm với bàn tay chăm sóc hương khói của tôi".
 
Tiếng tăm về "Tây xác chết" đã vang xa khắp mọi miền. Ông Tây cũng không ái ngại khi được mọi người đặt cho biệt danh như vậy. Ông tâm niệm những linh hồn xấu số nằm dưới suối vàng đã được thỏa nguyện.
 
Nguyện cầu…. linh hồn siêu thoát
 
Cầm bó hương trên tay, ông Tây dẫn chúng theo con đường cát trắng ra khu nghĩa địa. Tiếng gió thổi vi vu len qua những rặng phi lao hòa theo là tiếng sóng biển vỗ như đánh thức những linh hồn xấu số trở về đoàn tụ xum họp thành một đại  gia đình. Ông Tây tâm sự: "Ngày nào tôi cũng ra thắp hương, cầu khấn cho họ ở chín suối được an giấc ngàn thu. Mặc dù họ chết đi không có người thân bên cạnh, nhưng linh hồn họ không hề cô quạnh, đến ngày kỵ của họ tôi cũng làm đúng phong tục của người Huế". Ông chia sẻ thêm: "Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng các phần mộ đều xây cất rất cẩn thận, thiết kế giống nhau. Đến ngày kỵ gia đình ăn gì thì tôi cúng họ như vậy, chắc họ không trách móc gì tôi đâu. Linh hồn họ siêu thoát là tôi yên tâm rồi".
 
Ông Lê Hữu Tây bên ngôi mộ của một người chết trên biển
Ông Lê Hữu Tây bên ngôi mộ của một người chết trên biển
 
Trong  nhà ông Tây lập một gian thờ để thờ các bài vị của những người xấu số. Trên bàn thờ lúc nào hương khói cũng nghi ngút cháy. Có người còn bảo ông làm như thế là mang xui xẻo đến cho gia đình nhưng ông bỏ qua lời dèm pha đó và còn bảo: "Tôi không tin điều đó. Ở đời, con người sống phải có cái tâm. Mình làm điều tốt hay xấu thì trên trời, dưới âm đều biết. Trong thâm tâm mách bảo gì thì mình cứ làm, không sợ ai xui, hay dèm pha. Cái gì cũng có nhân có quả cả".
 
Ông Tây có 5 người con, 3 người con gái đều đã lấy chồng, còn 2 con trai đều theo nghề biển. Ông Tây cho biết: "Bây giờ tôi già yếu không thể ra biển được nữa, nhưng tôi dạy bảo các con dù ở hoàn cảnh nào cũng lấy cái tâm đặt lên hàng đầu. Khuyên các con ngoài nghề đánh cá thì phải giữ lấy “nghề” vớt xác mà đời ông đời bố đã làm".
 
Trước khi chia tay ông Tây thiết tha nhắn nhủ chúng tôi thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng đến gia đình nạn nhân khắp cả nước về một xác chết xấu số mà ông vừa vớt được hồi tháng 6/2011 ở bờ biển Thuận An - Huế: "Nam thanh niên chừng 25 - 30 tuổi, trên cổ đeo sợi dây chuyền màu đen có gắn tượng Quan Thế Âm, mặc quần lót màu đỏ. Qua đây gia đình nạn nhân nào nhận được hãy liên lạc với: Ông Lê Hữu Tây,  trú ở thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế".
 

 

 Ông Nguyễn Phước, Trưởng thôn Hải Bình cho biết: "Dân ở đây làm nghề biển là chính nên gặp xác chết là chuyện bình thường. Nhưng trường hợp như gia đình ông Tây đây rất đặc biệt, bởi vớt xác chết đã 2 đời rồi, ông Tây không than phiền hay đòi hỏi một điều gì ở cấp chính quyền, mọi thủ tục từ chôn cất cho đến thờ cúng đều do ông Tây lo hết. Ông Tây đúng là con người hiếm có, chính nhờ ông mà những người xấu số được thanh thản yên nghỉ dưới chín suối".

 
 
Theo GĐXH
Web hosting by Somee.com